Đặc điểm một số giống cà phê Arabica - cà phê chè trồng tại Lâm Đồng
Lâm Đồng là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, đất đai với trên 200.000ha đất đỏ Bazan phân bố chủ yếu ở độ cao 500 – 1.700m, nhiệt độ trung bình từ 18 – 260C, lượng mưa trung bình từ 1.800 – 2.600mm là điều kiện thuận lợi để trồng được cả 3 chủng loại cà phê: cà phê vối (Robusta), cà phê mít (Liberica) và đặc biệt là cà phê chè (Arabica) với chất lượng tốt. Tính đến hết năm 2018, diện tích cà phê chè đạt 13.685,2ha, chiếm 7,85% tổng diện tích cà phê toàn tỉnh, năng suất bình quân 28,6 tạ/ha và sản lượng đạt 36.098,4 tấn. Cà phê chè được trồng tập trung chủ yếu tại Đà Lạt (4.150ha) và Lạc Dương (4.079,8ha), diện tích còn lại trồng rải rác tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và Đam Rông. Trong những năm qua, cà phê chè Lâm Đồng đã tạo được thương hiệu trong và ngoài nước; năm 2015 và 2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 02 nhãn hiệu độc quyền cho cà phê chè Lâm Đồng là “Cà phê Arabica Langbiang” tại Lạc Dương và “Cà phê Cầu Đất Đà Lạt” tại Đà Lạt. Về cơ cấu và chủng loại giống thì giống Catimor được trồng chủ yếu với khoảng 98% diện tích cà phê chè và khoảng 2% là diện tích trồng các giống chất lượng cao như Typica, Bourbon, Caturra, Mundo Novo, Pacamara (3.000 cây trồng tại trang trại SONPACAMARA – Phường 5, TP. Đà Lạt) và một số giống TN1, TN2, THA1 được lai tạo từ Viện Wasi trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã có những chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ như chương trình tái canh, cải tạo gắn với phát triển cà phê bền vững; chương trình chuyển đổi, nâng cao chất lượng giống cây trồng; dự án VnSAT, … để hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp, chủ trang trại chuyển sang canh tác những giống cà phê chè chất lượng cao (Typica, Bourbon, Caturra, Pacamara, …) và sản xuất theo hướng hữu cơ, chứng nhận hữu cơ để nâng cao chất lượng lượng, giá trị sản phẩm gắn với thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Đầu năm 2019, Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng đã ra quyết định công nhận 14 cây cà phê chè đầu dòng (10 cây giống Typica và 4 cây giống Bourbon) cho 6 chủ hộ và đang hỗ trợ thực hiện 02 mô hình vườn ươm giống cà phê chè trên địa bàn TP. Đà Lạt và huyện Lạc Dương nhằm cung ứng cây giống đạt tiêu chuẩn chất lượng phục vụ cho nông dân trong chương trình tái canh gắn với phát triển cà phê bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Đặc điểm một số giống cà phê chè trồng tại Lâm Đồng
1. Giống Catimor (Coffea arabica L. cv. Catimor)
Giống Catimor được lai tạo giữa Hybrid de Timor với giống Caturra.
Cây thấp, bộ tán bé và gọn, lóng ngắn. Về ngoại hình không khác biệt nhiều so với giống Caturra. Lá non có màu đồng nhạt, phiến lá dày có màu xanh đậm, mép gợn sóng. Cây để phát triển tự do có chiều cao từ 2 - 3m.
Chiều dài cành cấp 1 ngắn, trung bình từ 0,8 - 1,2m. đường kính tán từ 1,2 - 1,5m. Chiều dài lóng đốt ngắn từ 4 – 5cm. Cành cấp 1 vươn thẳng tạo với thân chính 1 góc khoảng 650.
Quả và hạt thuộc loại trung bình, khi chín có màu đỏ. Khối lượng 100 nhân từ 13 - 16g, tỷ lệ tươi/nhân biến động từ 4,5 - 7kg tùy thuộc vào điều kiện trồng và chăm sóc.
Khả năng phân cành cấp 2 nhiều và cho năng suất cao. Chịu hạn tốt và có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu ở những vùng có cao độ thấp (800 – 1.200m). Mật độ trồng thích hợp khoảng 5.000 cây/ha.
Chất lượng thử nếm được xếp vào loại khá ngon.
Có khả năng kháng cao với hầu hết các nòi sinh lý của bệnh gỉ sắt. Tuy nhiên, hiện nay giống Catimor đã khá mẫn cảm với bệnh gỉ sắt do quá trình canh tác lâu năm và nhân giống qua nhiều thế hệ.
2. Giống Typica (Coffea arabica. L. var. Typica)
Cây có dạng hình chóp nón, trong điều kiện tự nhiên cây có thể cao tới 5m. Lá non có màu tím nhạt hoặc màu đồng nhạt, lá trưởng thành thon dài, chóp lá nhọn và mép lá ít gợn sóng.
Cành cấp 1 yếu, tạo với thân chính một góc trên 800 và buông rủ xuống. Bộ tán trung bình, nhiều cành tăm, lóng đốt dài.
Số hoa, quả trên đốt ít, biến động từ 5 - 10 quả/chùm. Quả và hạt có kích thước lớn, hình dạng quả thuôn dài, có núm và quả chín có mảu đỏ.
Tiềm năng cho năng suất trung bình thấp.
Mẫn cảm với bệnh gỉ sắt, bệnh khô cành khô quả và tuyến trùng.
Cây phát triển tốt ở những vùng có độ cao >1.300m, khí hậu mát, cường độ ánh sáng yếu. Mật dộ trồng thích hợp từ 3.000 – 4.000 cây/ha
Chất lượng thử nếm được xếp vào loại thơm ngon trong các giống cà phê chè đang được trồng hiện nay.
3. Giống Bourbon (Coffea arabica L. var. Bourbon)
Cây dạng hình trụ, cao, bộ tán lớn, cây có thể cao từ 4 - 6m. Lá non có màu xanh nhạt, phiến lá có dạng bầu, đuôi lá ngắn, mép lá gợn sóng.
Cành cấp 1 khỏe hợp với thân một góc nhỏ hơn 800. Cây có khả năng phân cành thứ cấp nhiều, lóng đốt trung bình.
Số hoa, quả trên đốt cao hơn giống Typica, biến động từ 10 – 20 quả/chùm. Quả, hạt có kích thước trung bình và có dạng bầu, lúc chín quả có màu đỏ hoặc vàng.
Tiềm năng năng suất trung bình, ưa điều kiện mát, cường độ chiếu sáng vừa và mật độ trồng thích hợp từ 3.000 – 4.000 cây/ha. Mẫn cảm với bệnh gỉ sắt, bệnh khô cành khô quả và tuyến trùng.
Chất lượng thử nếm được xếp vào loại rất ngon.
4. Giống Caturra (Coffea arabica L. var. Caturra)
Giống Caturra có hai dạng, một dạng quả lúc chín quả có màu đỏ giống Typica được gọi là Caturra rojo và một dạng khác lúc chín quả có màu vàng được gọi là Caturra amarello.
Về ngoại hình hai dạng này giống hệt nhau trừ màu sắc quả chín. Caturra nguyên là dạng biến dị của giống Bourbon được chọn lọc ở Brazil.
Lá non có màu xanh nhạt, phiến lá dạng hơi bầu, gợn sóng nhiều. Cây thấp, cao không quá 3m, bộ tán hẹp, lóng đốt ngắn, khả năng phân cành thứ cấp nhiều, thân cây mập khỏe.
Quả và hạt có kích thước trung bình, có dạng bầu, ngắn trông giống cà phê vối.
Số hoa, quả trên đốt nhiều 20 - 30 quả. Dạng quả vàng thường cho năng suất cao hơn quả đỏ.
Giống này có khả năng chịu hạn, cường độ chiếu sáng mạnh ở những vùng có độ cao thấp. Thích hợp trồng với mật độ khoảng 5.000 cây/ha và ở độ cao trên 1.300m.
Rất mẫm cảm với bệnh gỉ sắt, bệnh khô cành khô quả (Coffee Berry Disease-CBD) và tuyến trùng. Chất lượng thử nếm được xếp vào loại ngon.
5. Giống Pacamara (Coffea arabica L. var. Pacamara)
Giống Pacamara được lai tạo giữa gống Pacas với giống Maragogype.
Cây cao trung bình, bộ tán bé và gọn, lóng ngắn. Về ngoại hình không khác biệt nhiều so với giống Caturra. Lá non có màu nâu đồng, hơi tròn; lá trưởng thành to, hơi tròn phiến lá dày có màu xanh đậm, mép gợn sóng ít. Cây để phát triển tự do, có chiều cao từ 2 - 3m.
Chiều dài cành cấp 1 ngắn, trung bình từ 0,8 - 1,2m. đường kính tán từ 1,2 - 1,5m. Chiều dài lóng đốt từ 5 – 6cm. Cành cấp 1 vươn thẳng tạo với thân chính 1 góc khoảng 650, khả năng phân cành cấp 2 nhiều
Tiềm năng năng suất trung bình và thích ứng với điều kiện khí hậu ở những vùng có cao độ >1.300m. Thích hợp trồng trong điều kiện có cây tương tác và che bóng khoảng 50% lượng ánh sáng, mật độ trồng khoảng 5.000 cây/ha.
Quả lớn, hơi dài, đầu có núm, khi chín có màu đỏ. Kích thước nhân lớn, tỷ lệ tươi/nhân biến động từ 5 - 6kg tùy thuộc vào điều kiện trồng và chăm sóc.
Độ Brix >16 và chất lượng thử nếm được xếp vào loại rất ngon.
Mẫn cảm trung bình với bệnh gỉ sắt, bệnh khô cành khô quả và tuyến trùng.
Cà phê chè giống Pacamara
6.Giống THA1
Nguồn gốc:
+ Cơ quan chọn tạo: Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.
+ Nguồn vật liệu: Dòng chọn lọc phả hệ của con lai TN1 (KH 3-1 x Catimor) đến thế hệ F5.
Năng suất 2,45 tấn nhân/ha. Có thể đạt >3,0 tấn khi thâm canh và tùy theo vùng.
Sinh trưởng: Sinh trưởng khỏe, kiểu hình cây thấp, lóng thân và đốt nhặt.
Tán: Tán gọn, phân cành nhiều, đốt nhặt, cành cơ bản ngắn, thích hợp ở mật độ trồng dày.
Lá: To trung bình, dạng lá thuôn dài, mép gợn song. Màu sắc lá thuần thục: xanh đậm, đọt non màu xanh nhạt.
Quả: Màu sắc quả chín: đỏ tươi; Dạng quả: oval; chùm quả dày, sai quả, quả lớn
Hạt: Tỉ lệ tươi/nhân: 5,6; khối lượng 100 nhân: 17,3g; hạt loại 1: 84,9%
Chất lượng thử nếm: Rất tốt với thang điểm 82/100 theo tiêu chuẩn SCAA
Kháng bệnh gỉ sắt cao.
Cà phê chè giống THA1
7. Giống TN1
Con lai F1 do Viện KHKT NLN Tây Nguyên lai tạo năm 1991. Cây ghép sinh trưởng trung bình, thấp cây bộ tán bé và gọn, lóng đốt ngắn. Về ngoại hình không khác nhiều so với giống Catimor. Sau 30 tháng trồng cây cao 157cm, chiều dài cành cấp 1 khoảng 70 - 75cm và có 19 đốt. Cành cấp 1 vươn thẳng tạo với thân chính một góc 55 - 600. Quả thuộc loại khá, chín có màu đỏ, trọng lượng 100 nhân trên 16g, tỷ lệ tươi/nhân thấp khoảng 5,5 – 6,0 tùy điều kiện trồng trọt. Khả năng phân cành cấp 2 nhiều và có tiềm năng năng suất rất cao. Kháng rất cao với bệnh gỉ sắt. Năng suất trung bình đạt 3,5 – 4,0 tấn nhân/ha tùy theo vùng canh tác.
8. Giống TN2
Con lai F1 do Viện KHKT NLN Tây Nguyên lai tạo năm 1993. Cây ghép sinh trưởng trung bình, thấp cây bộ tán bé và gọn, lóng đốt ngắn. Về ngoại hình không khác nhiều với giống Catimor. Sau 30 tháng trồng cây cao 140cm, chiều dài cành cấp 1 khoảng 75 – 80cm và có trên 20 đốt. Cành cấp 1 vươn thẳng tạo với thân chính một góc 55 - 600. Quả thuộc loại khá, chín có màu đỏ, trọng lượng 100 nhân trên 14,5g tỷ lệ tươi/nhân thấp khoảng 5,5 - 6 tùy điều kiện trồng trọt. Khả năng phân cành cấp 2 nhiều và có tiềm năng năng suất rất cao. Hầu như kháng rất cao với các nòi sinh lý của bệnh gỉ sắt. Năng suất trung bình vào giai đoạn kinh doanh đạt 3,0 - 3,5 tấn nhân/ha.
Vy Thế Vũ