Giỏ hàng

CÀ PHÊ MOKA – SIÊU PHẨM ARABICA ĐÀ LẠT

CÀ PHÊ MOKA – SIÊU PHẨM ARABICA ĐÀ LẠT

 

Cafe Moka là gì

Moka là giống cà phê có giá trị cao nổi tiếng ở Việt Nam và có chất lượng cũng như hương vị sánh ngang với một trong những loại cà phê ngon nổi tiếng thế giới. Đây là giống cà phê thương mại thuộc dòng Arabica Bourbon.

Dòng cà phê Arabica được phân loại thành từng nhóm nhỏ dựa theo đặc điểm, tính chất riêng của chúng. Trong đó, cà phê Bourbon được xem là tượng đài trong ngành cà phê vì chúng mang hương thơm, mùi vị đặc sắc, độc đáo hơn rất nhiều.

Đặc điểm cà phê Bourbon

Bourbon là 1 giống cà phê đột biến từ Typica. Giống cà phê này có những đặc điểm cơ bản tương tự dòng Typica, nhưng cho năng suất cao hơn. Lá cây non, có màu xanh hoặc vàng đồng, cành nhỏ mọc theo hình nón, nghiêng 60° so với thân chính. Trái cà phê chín thường có màu đỏ, vàng, cam,… đẹp mắt. Hạt cà phê Bourbon thường lớn, trông đẹp mắt hơn rất nhiều so với những loại hạt cà phê khác. Tuy vậy, cây cà phê này thường dễ bị sâu bệnh. Sức đề kháng yếu hơn so với những loại cà phê thông thường.

 

Hương vị của cafe Bourbon

Có thể nói, Bourbon là hoàng hậu trong tất cả các loại cà phê. Bởi lẽ, hương thơm của nó vô cùng sang trọng. Thể hiện sự quý phái và đẳng cấp riêng. Khi thưởng thức, bạn sẽ nhận thấy hương thơm nồng nàn, mùi vị ngây ngất. Pha lẫn chút chua nhưng đủ thanh thoát, sành điệu.

Quay trở lại cà phê moka

Moka xuất phát từ cảng Mocha, Yemen từ thế kỷ thứ 13, được du nhập đến đảo Bourbon (lúc bấy giờ có tên là Reunion), một hòn đảo nhỏ thuộc Pháp, nằm trong Ấn Độ Dương, cách Madagascar 700km về phía Đông và cách Mauritius 200km về phía Tây Nam. Giống Arabica Bourbon này lần đầu tiên được người Pháp đưa vào Việt Nam là năm 1875. Bằng sự tinh tế và nhạy bén, những nhà Nông học Pháp thời bấy giờ đã chọn trồng giống café Moka trên những đồi núi chập chùng của Cao nguyên Lâm viên – tương tự như trồng trên quê hương của hạt cà phê này. Bởi nơi đây hội tụ đầy đủ những điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng lý tưởng như ở Yemen, cùng có vĩ độ là 12 và độ cao cũng khoảng 1500-1600m trên mặt biển cực kỳ thích hợp với giống cafe Moka này. Người Pháp lập ra một số đồn điền cà phê để canh tác Moka. Sau khi Moka được thu hoạch và chế biến, được tung ra thị trường với thương hiệu “Arabica du Tonkin”, nổi tiếng vì cực kỳ thơm ngon, sang trọng và chỉ có tầng lớp thượng lưu, quí tộc mới được thưởng thức. “Arabica du Tonkin”, loại cà phê Moka danh tiếng trồng ở Việt Nam phần lớn được nhập khẩu về Pháp để phục vụ cho những người thưởng thức sành điệu. Hạt có vị chua nhẹ với mùi rượu vang, hậu vị ngọt.

Thừa hưởng những đặc tính từ Bourbon, Moka Cầu Đất được xem bà hoàng của các loại cà phê nhờ hương thơm quyến rũ và vị ngon nhẹ nhàng, mượt mà và lưu luyến một cách đặc biệt của nó. Từ lâu Moka được trồng và sinh trưởng tốt tại các xã Xuân Thọ và Xuân Trường thuộc vùng Cầu Đất, Đà Lạt. Nói về vị cafe Moka rang xay, lúc này phẩm chất cà phê sẽ được bộc lộ mạnh mẽ hơn và thơm ngất, hấp dẫn không thể tả. Nhiều người cho rằng nó có vị chua thanh pha lẫn vị đắng nhẹ, và chúng ta dễ dàng quan sát được màu nước cafe rất trong trẻo, có màu nhạt của hổ phách. Đặc biệt, nếu Moka được rang đến khoảng 224 độ C sẽ tiết dầu khiến vị của nó trở nên ngậy hơn. Khi pha chế cà phê Moka bằng phin truyền thống cũng sẽ cho ra hương vị độc đáo và mùi thơm vượt trội so với các loại cà phê thông thường.

Tại Việt Nam hiện nay, café Moka có sản lượng không nhiều, chủ yếu hạt cà phê được thu hoạch từ những cây trồng từ ngày xưa, phân bố phổ biến tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến điều này là vì năng suất của cafe Moka rất thấp, khả năng đề kháng với sâu bệnh kém, cành lá thì xác xơ. Bên cạnh đó, vì điều kiện thổ nhưỡng,  khí hậu, độ cao không thật sự phù hợp để nhân giống cafe Moka nên người trồng dần thay thế chúng bằng những giống mới khác.

 

Sự khác biệt giữa cà phê Moka và Catimor

Tuy được nhiều người yêu thích nhưng hơi khó để phân biệt đâu chính xác là hạt Moka. Thường có sự nhầm lẫn giữa Moka và tên gọi chung chung Arabica (là Catimor là chủ yếu hiện nay, giá thành thấp hơn so với Moka Cầu Đất).

 

Những người nông dân ở Đà Lạt cho biết hiện nay cà phê Moka vẫn còn sót lại số ít lẫn trong các vườn trồng Catimor đại trà, họ trồng Moka mang ý nghĩa như một vật kỉ niệm để lại sau những lần tái canh. Vì cùng là giống Arabica nên hạt cà phê Moka rất giống hạt Catimor, tuy nhiên  Catimor là giống mới, đưa vào trồng đại trà cách đây khoảng 15 năm, được lai tạo giữa Arabica và Robusta. Còn Moka là Arabica thuần chủng. Nhưng vì Catimor cho năng suất cao, kháng sâu bệnh tốt nên dần được thay thế Moka tuy nhiên nhưng hương vị thì kém xa Moka. Trong cà phê Arabica Cầu Đất ở Đà Lạt được bán xô hiện nay, đôi khi vẫn lẫn những hạt Moka, nhưng bằng mắt thường thì khó mà nhận ra nổi. Chính vì thế khi uống cà phê Moka, ta sẽ thấy vừa quen lại vừa lạ.

 

Nhận biết cafe Moka Cầu Đất chưa rang

Chúng ta có thể nhận biết cà phê Moka Cầu Đất chưa rang (phần nhân) qua lớp vỏ lụa bên ngoài, thường chúng sẽ rất mỏng và có màu hơi vàng xanh, đường rãnh của hạt uốn lượn có chút xù lông, hạt nhỏ hơn Catimor. Hạt nhân thô của cafe Moka cũng rất dễ bị oxi hóa khi tiếp xúc với không khí.

 

Bảng giá cà phê