Những làn sóng cà phê: Con người đã thay đổi cách uống cà phê thế nào?
Thuật ngữ “Làn sóng cà phê” dùng để chỉ một khoảng thời gian hoặc giai đoạn trong ngành cà phê, thể hiện những thay đổi lớn về cách con người sản xuất, tiêu thụ cà phê và vai trò của cà phê trong đời sống con người.
Làn sóng cà phê thứ nhất: Cà phê tiện lợi và tỉnh táo
Làn sóng đầu tiên được xác định vào khoảng đầu thế kỉ 20, đánh dấu bằng sự khởi đầu của cà phê hòa tan khi ai cũng có thể đun nước và pha cà phê tại nhà. Điểm quan trọng nhất của làn sóng này là biến cà phê trở thành một mặt hàng cơ bản có thể tìm thấy trong mỗi hộ gia đình. Với sự ra đời của công nghệ hút chân không, cà phê hòa tan đóng gói được tiêu thụ tăng theo cấp số nhân.
Làn sóng cà phê thứ nhất cũng đề cập đến cà phê giá rẻ, sản xuất hàng loạt với số lượng lớn được bày bán ở siêu thị hay dùng cho các nhà hàng, khách sạn, quán ăn. Những thương hiệu cà phê nổi tiếng đại diện cho làn sóng này có thể kể đến như Folger’s, Maxwell House hay Nestle’.
Giai đoạn này cà phê được đề cao về “chất caffeine” hơn là chất lượng, lợi ích về năng lượng và sự tỉnh táo hơn là nguồn gốc hay hương vị.
Làn sóng cà phê thứ hai: Uống cà phê thể hiện phong cách sống
Như là một sự đối chọi lại với làn sóng đầu tiên, làn sóng cà phê thứ 2 chứng kiến sự gia tăng của các thương hiệu riêng lẻ cố gắng tạo sự khác biệt bằng cách bán cà phê chất lượng cao. Ngoài ra, các thương hiệu cũng bắt đầu quan tâm hơn đến trải nghiệm khi uống cà phê, tập trung vào việc tạo ra bầu không khí của quán cà phê và tay nghề của nhân viên pha chế.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến nguồn gốc cà phê, mức độ rang và hương vị pha chế theo sở thích của họ. Đổi mới quan trọng của làn sóng này là cà phê không chỉ được uống đơn thuần mà trở thành nguyên liệu cho những thức uống sáng tạo, ví dụ như cappuccino, latte, frappuccino, v.v.
Starbucks có thể được xem là cái tên tiêu biểu nhất cho làn sóng cà phê thứ 2 nhờ vào sự phủ sóng của các quán cà phê, thúc đẩy mô hình chuỗi cửa hàng phát triển ở khắp nơi trên thế giới.
Làn sóng cà phê thứ ba: Sản xuất thủ công và tiêu thụ cà phê bền vững
Khoảng cuối thập niên 2000s đã bắt đầu làn sóng thứ 3 khi những người yêu cà phê quan tâm đến đặc tính của chính cà phê và sự minh bạch trong các sản phẩm. Cà phê được xem như một nghệ thuật thủ công với những sản phẩm chất lượng cao, chứ không đơn thuần là một loại hàng hóa sản xuất hàng loạt.
Với làn sóng này, cà phê được quan tâm về chất lượng trong tất cả các khâu: trồng và thu hoạch, phương pháp chế biến, mức độ rang. Các khái niệm về cà phê dần trở nên phổ biến hơn với người tiêu dùng như:
- Single origin coffee (cà phê đơn nguồn gốc): cà phê đến từ một quốc gia, khu vực nhất định nên khả năng truy xuất cao; sở hữu đặc tính mùi thơm, hương vị tiêu biểu của vùng trồng.
- Các mức độ rang cà phê: Mỗi mức độ khác nhau sẽ phù hợp với từng loại cà phê để khai thác các đặc tính hương vị đa dạng bên trong hạt.
- Vòng tròn hương vị cà phê: Thay vì đốt cháy cà phê trong quá trình rang sẫm màu, mức rang nhạt hơn đã được áp dụng cho phép cà phê bộc lộ những hương vị phức tạp hơn, có thể xác định dựa vào Vòng tròn hương vị cà phê.
Ngoài ra, tiêu thụ cà phê bền vững còn hướng đến việc liên kết chặt chẽ giữa nông dân, nhà rang xay, đơn vị kinh doanh để nâng cao chất lượng cà phê và thúc đẩy sản xuất cà phê có trách nhiệm hơn.
Làn sóng cà phê thứ tư và thứ năm: Liệu đó có phải là một làn sóng?
Khác với ba làn sóng cà phê đầu tiên ít nhiều có sự đồng thuận, làn sóng thứ 4 và thứ 5 vấp phải nhiều tranh cãi về việc chúng bao gồm những gì, hay thậm chí là có tồn tại hay không? Với hầu hết các tài liệu mô tả, thời gian của hai làn sóng này rất gần hay thậm chí đang là hiện tại. Điều đó khiến cho việc định nghĩa hay xác định tính chất của phong trào làn sóng cà phê là rất khó.
Một số cho rằng làn sóng cà phê thứ 4 đặt trọng tâm vào yếu tố khoa học công nghệ trong trồng trọt, chế biến và pha chế cà phê; trong khi làn sóng thứ 5 hướng đến kinh doanh thành công bằng mô hình doanh nghiệp nhỏ với sản phẩm chất lượng cao.
Nhìn thấy gì từ những làn sóng cà phê?
Không có sự phân cấp giữa các làn sóng mà có thể nói, chúng cuộn cạnh nhau và không có kết thúc nào. Những sai sót trong một xu hướng dẫn đến những thay đổi mà cuối cùng có thể tạo ra một xu hướng hoặc làn sóng mới.
Việc phân tích các xu hướng trong ngành cà phê bằng phép ẩn dụ làn sóng cho thấy ngành cà phê luôn thay đổi và cần sự nắm bắt, tìm cách tốt nhất để tham gia thị trường. Sự thay đổi của các làn sóng cà phê dù có được gọi tên hay không cũng cho thấy xu hướng kinh doanh và tiêu dùng cà phê ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng - những yếu tố đóng vai trò quan trọng tạo nên hương vị đặc trưng thơm ngon.
Vietmay Coffee luôn minh bạch về nguồn gốc và quy trình rang xay, mang đến những sản phẩm cà phê hạt rang chất lượng cho các quán. Ngoài ra, Vietmay luôn sẵn sàng hỗ trợ tài liệu hướng dẫn pha chế sao cho hợp với khẩu vị đặc trưng của quán, từ đó tạo nên dấu ấn riêng biệt trong lòng khách hàng.