Hương sắc và Cà phê
Ngày xưa, trên đường Tăng Bạt Hổ ở thành phố Pleiku có một quán cà phê mang tên Nhớ, cũng không có gì quá đặc biệt, nhưng Nhớ lại là bối cảnh trong cuốn truyện dài Ôm Đàn Tới Giữa Đời của Mai Thảo, một nhà văn nổi tiếng trước năm 1975. Nhân vật tự sự chính trong truyện là người phụ nữ chủ quán tên Ngọc, đẹp và có tính cách - nghe bảo hiện nay bà đã gần bảy mươi và đang định cư ở nước ngoài - chính điều này đã khiến tiểu thuyết gia một thời phải ghé quán thường xuyên. Từ đó Ôm Đàn Tới Giữa Đời đã được thai nghén.
Hương sắc của người chủ quán tựa như một thứ gia vị làm ly cà phê đậm đà hơn, mà phải là chủ quán, một cô gái giúp việc dẫu trẻ đẹp hơn vẫn không thể ảnh hưởng bằng, thật khó lý giải! Ở Pleiku xưa, ngoài quán Ngọc ấy, Hoàng Lan nằm trên đường Phó Đức Chính ( bây giờ là Nguyễn Văn Trỗi) với người phụ nữ có tên như quán, với mái tóc dài xõa qua lưng cũng thu hút cánh đàn ông ghiền cà phê không kém.
Mà hương sắc cũng ma lực lắm! Chỉ cần sự có mặt của chủ nhân là đủ giữ chân khách hàng giờ, cả buổi. Ngồi đó thẫn thờ, ngây dại, cũng mắt nhìn cô chủ thật đắm đuối của kẻ si tình, nhưng dòng nghĩ và nỗi nhớ quay quắt có khi.....thuộc về một hình bóng đã xa…. “Chẳng phải họ yêu tôi… mà cần. Tôi làm đầy những buổi sáng, làm ấm những buổi chiều của họ. Trên những con đường ướt đẫm sương đêm hay lất phất mưa bụi, họ bước những bước co ro trong giá lạnh, với mục đích đến quán Nhớ là để thấy tôi đứng ở sau quầy. Lâu dần với đám người trẻ tuổi lãng mạn và cô đơn này, có tôi đã trở thành một sự có mặt đầy yên tâm. Tôi chẳng hiểu tại sao lại như thế. Nhưng sự thật và cái không khí của quán Nhớ tới mùa lạnh này là như thế”. Cô chủ Nhớ đã nói về những người khách của mình như vậy đó.
Nhạc là một thứ không thể thiếu cho một quán cà phê đúng chuẩn. Giọt đắng và âm nhạc là sự kết hợp đúng style vào thời ấy. Tuyệt nhiên không phải loại nhạc của The Beatles, Rolling Stones...thời thượng, nhộn nhịp một chút thì cũng tới mức Phượng Hoàng, Mây Trắng... là đủ ( nhóm nhạc trẻ tự biên tự diễn và Việt hóa nhạc ngoại quốc nổi tiếng trong thập niên 60, 70) nhưng cứ phải than trách về đủ loại thân phận. Nhạc Trịnh Công Sơn, đặc biệt là những "Ca Khúc Da Vàng" chiếm lĩnh không gian các quán cà phê nhạc lúc ấy. Người xưa hay lắm! Phải tạo dáng và thần thái mới đúng chất "đắm chìm". "Họ đến với Nhớ phần lớn đều thích nghe nhạc. Nhiều người chỉ nghe độc một băng nhạc, một tiếng hát, đòi nghe lại từng lần. Họ nghe, đắm đuối, mơ màng, đầu tựa nghiêng vào vách, chân duỗi dài trễ nãi, nhìn cà phê thả giọt…." (Ôm Đàn Đến Giữa Đời - Mai Thảo).
Thuốc lá là thứ không thể thiếu với ly cà phê đắng, người ta bảo không trộn lẫn làn khói trắng cùng ngụm cà phê thì nhạt lắm. Ghiền nặng đã có Bastos, nguyên liệu là lá thuốc đen đậm đà nhưng gắt, muốn chút thơm chọn Capstan hoặc Ruby Queen sợi vàng, sang hơn thì PallMall bao mềm, mấy nhãn hàng thuốc lá này rất phổ biến với tín đồ cà phê thuở ấy.
Đàn ông 7x, 8x bây giờ có khác mấy gã 4x, 5x thời ấy đâu. Họ cũng cần một chút hương sắc thả hồn vào ly cà phê đắng. Họ cũng xa nhau thì nhớ, gặp nhau thẫn thờ. Nhu cầu ấy thật đáng yêu, thật lãng mạn. Cái khác đi trong cảm nhận và thể hiện là do cái thời. Ngày xưa phải tóc dài, bây giờ tóc ngắn; ngày xưa đi ra, đi vào phải thướt tha yểu điệu, bây giờ đi như catwalk mới ấn tượng; ngày xưa “dạ! vâng”, bây giờ “yeah!” mới ổn! Xét cho cùng, mỗi thời đều có giá trị riêng của nó. Chuyện một cô chủ quán tôi quen, mấy ngày nay bị “quấy rầy” ầm ĩ cũng là chuyện muôn thuở thôi! Có điều ngày xưa, đến rồi đi chỉ là những bước chân âm thầm. Chỉ ngồi dù vài ba tiếng đồng hồ, im lặng đắm mình trong nhạc, trong khung cảnh, đắm đuối một nhân dáng thân quen. Vận dụng cả ngũ quan để nâng chất hết mức có thể được tách cà phê trước mặt. Ngày nay kỷ nguyên a còng, lắm phương tiện hiện đại, tha hồ diễn đạt. Nhấm một ngụm cà phê, type vài câu, click một cái là khắp nhân loại biết được lòng mình. Yeah! Quá đã! Có trách chăng là trách sự thô thiển vì giá trị của lịch thiệp thì thời nào cũng giống nhau!Giả như cô Ngọc ngày xưa của Mai Thảo bán hột vịt lộn và cô bạn nhỏ của tôi bây bây giờ bán cháo lòng thì có “sinh sự” như thế này không nhỉ? Căn nguyên cũng từ LY CÀ PHÊ
Bài Nguyễn Sơn - Vietmay Coffee. Ảnh minh họa Internet